Khoa học cơ bản, tự nhiên bị ế 2022

Chỉ tiêu tuyển 30-100 sinh viên, nhưng số người nhập học ở nhiều ngành khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên ở các trường đại học có khi chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2022, ngành Địa chất học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, tuyển được 11 sinh viên trong tổng 100 chỉ tiêu. Hai năm trước, số nhập học ở ngành này cao hơn, ở mức 20 người.

Ngành Kỹ thuật Địa chất có chỉ tiêu hàng năm là 30, nhưng trong ba năm 2019, 2020 và 2022 chỉ tuyển được lần lượt 4, 9 và 10 sinh viên. Các ngành Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng giảm gần một nửa số sinh viên nhập học, từ hơn 100 xuống trên 60, Thạc sĩ Trần Vũ, trưởng Phòng Thông tin Truyền thông, cho biết.

Xét theo lĩnh vực, Khoa học sự sống, Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có số sinh viên nhập học giảm mạnh nhất, từ 708 (năm 2019) xuống 590 (năm 2022). Khoa học tự nhiên giảm nhẹ, từ 856 xuống 820.

“Trường chật vật tuyển sinh các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống”, ông Vũ nói.

Tại trường Đại học Mỏ-Địa chất, sau khi công bố điểm chuẩn đợt một năm 2022, trường phải tuyển bổ sung 440 sinh viên, tương đương 14% của tổng chỉ tiêu 3.080. Hầu hết ngành thiếu sinh viên thuộc nhóm kỹ thuật dầu khí; địa chất, trắc địa, mỏ; bảo vệ môi trường. Trong khi bảy năm trước, ngành ế ẩm nhất hiện nay là Kỹ thuật địa vật lý không thiếu sinh viên nhập học.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết các ngành như Dinh dưỡng và Phân bón cây trồng, Nuôi trồng thủy sản, Phát triển nông thôn hay Công nghệ sau thu hoạch chỉ tuyển được dưới 20 sinh viên mỗi năm. Tất cả đều giảm so với 5 năm trước.

“Trước đây, ngành Công nghệ sau thu hoạch tuyển được đủ sinh viên, ngành Nuôi trồng thủy sản hay Phát triển nông thôn cũng tuyển được 20-30 sinh viên”, ông Hải cho biết.

Số người học các ngành khoa học Tự nhiên, Cơ bản, Sự sống thấp hoặc giảm là tình trạng chung của nhiều trường.

Trong hội nghị tuyển sinh ngày 3/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhiều năm qua gồm Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội.

Những lĩnh vực này chỉ tuyển được 49-61% chỉ tiêu đặt ra, trong đó thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản.

Ông Vũ cho rằng nguyên nhân khiến các ngành này tuyển sinh kém là thị trường việc làm hạn chế. Ông lấy ví dụ với Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Hải dương học, sinh viên tốt nghiệp thường phải tìm việc ở cơ sở nghiên cứu hoặc tổ chức phi chính phủ, vốn không phải nơi được đa số ưa thích.

“Giới trẻ ngày nay không hứng thú làm việc tại cơ quan nhà nước, trong khi những lĩnh vực này chưa phát triển mạnh ở khu vực tư nhân, việc làm ở công ty, doanh nghiệp ít”, ông Vũ nói.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mỏ – Địa chất, thí sinh ít chọn các ngành học như Kỹ thuật dầu khí, Trắc địa còn do lo ngại môi trường làm việc vất vả, thường xuyên xa nhà.

“Các doanh nghiệp lớn về than hay khoáng sản mỗi năm đều tuyển kỹ sư trắc địa bản đồ, địa chất nhưng rất khó kiếm người”, ông Khoát nhận định.

Với các ngành nhóm nông, lâm, ngư nghiệp, TS Nguyễn Thanh Hải cho rằng giới trẻ có xu hướng tập trung về đô thị – khu vực không phải “mảnh đất màu mỡ” cho các ngành đặc thù của nhóm này.





Một tiết học trong phòng thí nghiệm của môn Thú y cộng đồng, khoa Môi trường, của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành

Một tiết học trong phòng thí nghiệm của môn Thú y cộng đồng, khoa Môi trường, của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành

Tình trạng tuyển sinh kém hôm nay có thể chưa gây ra tác động rõ rệt đến thị trường lao động, bởi hiện vẫn còn nhiều chuyên gia và người lao động trong các lĩnh vực nêu trên, theo giáo sư Khoát. Tuy nhiên trong 5-10 năm tới, khi thế hệ trung niên hiện nay nghỉ hưu, sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu nhân lực ở nhiều ngành khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản.

Ông Khoát cho biết các doanh nghiệp, tập đoàn như Than và Khoáng sản Việt Nam rất cần nhân lực về trắc địa bản đồ, địa chất. Họ sẵn sàng bỏ chi phí để đào tạo thêm, nhưng rất “khó tuyển người”.

Dẫn lại báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, TS Nguyễn Thanh Hải của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên nhập học các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 2% tổng sinh viên đại học hàng năm.

“Điều này cho thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành nông nghiệp trong thời gian tới”, ông dự đoán.

Vì lý do này, nhiều trường cho biết dù chỉ tuyển được vài chục sinh viên mỗi năm nhưng vẫn duy trì đào tạo nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội và duy trì nguồn nhân lực lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải, cho biết dù các trường vận hành theo cơ chế tự chủ nhưng không phải cứ ngành nào có lãi mới đào tạo. Trường vẫn duy các lớp học ít sinh viên, không gộp hay dạy chung, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường đang dùng nguồn thu từ các ngành đông sinh viên để bù cho các ngành ít.

Ông Trần Vũ của ĐH Quốc gia TP HCM cũng cho rằng phát triển khoa học cần tầm nhìn dài hơi. Sau 10-20 năm nữa, những ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên có thể mới phát triển, nhưng không thể đợi đến lúc đó mới bắt đầu đào tạo nhân lực. “Trách nhiệm của trường là phải gầy dựng nhân lực từ bây giờ để phục vụ những mục tiêu trong tương lai”, ông nói.





Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2022 tại trường THPT Phú Nhuận (TP HCM) hôm 6/7. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2022 tại trường THPT Phú Nhuận (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Để cải thiện tình hình tuyển sinh, các trường cân đối chỉ tiêu, tìm cách đổi mới chương trình dạy, duy trì học bổng cùng các chính sách ưu đãi.

Tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, 9 ngành khoa học cơ bản như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin – Thư viện duy trì chỉ tiêu khoảng 50-100 mỗi năm, ít hơn các ngành học khác. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, phó Hiệu trưởng, việc này để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tại trường Đại học Mỏ-Địa chất, sinh viên các ngành học truyền thống được định hướng nắm bắt kiến thức liên ngành, tăng cường việc học với máy móc, công nghệ. Nhà trường hy vọng sinh viên ngoài kiến thức cơ sở chuyên ngành sẽ bắt kịp sự chuyển dịch của công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật.

Một số trường hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên theo học những ngành khoa học cơ bản, hiếm. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM năm qua dành hai tỷ đồng học bổng cho tân sinh viên. Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ người học các ngành thuộc khối nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là các ngành truyển thống khó tuyển sinh.

Phó giáo sư Nguyễn Đức Khoát nhìn nhận đây mới là giải pháp từ các trường. Để cứu những ngành khoa học cơ bản cần một kế hoạch dài hơi trên quy mô cả nước. Theo ông, chính phủ và các bộ ngành cần nghiên cứu, dự báo thị trường lao động sau 10-20 năm tới, sau đó đánh giá nhu cầu nguồn lực và quy hoạch tổng chỉ tiêu đào tạo.

“Tôi vẫn tin các ngành khoa học sẽ có sự thay đổi tích cực trong vài năm tới, nhưng phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, nhà nước”, ông Khoát nói.

Thanh Hằng – Nhật Lệ


Du học, Xuất khẩu lao động 2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: