Giám thị – Những thầy cô không đứng bục giảng – Kỳ 1: Vị thuyền trưởng hải quân trở về làm giám thị 2022

Thầy Vinh nhắc nhở học sinh giữ nề nếp ở một phòng học tin học - Ảnh: VĨNH HÀ

Thầy Vinh nhắc nhở học sinh giữ nề nếp ở một phòng học tin học – Ảnh: VĨNH HÀ

Nhưng thực tế, trách nhiệm họ vất vả hơn nhiều và cũng chính là những người thầy, người cô thầm lặng góp phần gieo vào tâm hồn học trò bao điều tốt đẹp.

Vị trung tá từng làm thuyền trưởng, nhiều năm tháng bám trụ ở Trường Sa, đã chọn một ngôi trường để quay về sau khi xuất ngũ. Hiếm người nào có thâm niên làm giám thị tới 30 năm. Với thầy Nguyễn Quang Vinh, giám thị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, thì đời làm giám thị còn dài hơn đời quân ngũ của ông.

“Tôi hiếm khi gay gắt với học sinh. Nhiều lúc tôi cũng phải cố gắng kìm lại những cảm xúc tiêu cực để chọn một cách đối thoại tích cực nhất. Rồi có nhiều việc, tôi không chỉ nhắc mà tôi làm trước.

Thầy NGUYỄN QUANG VINH

“Tôi cứ nghĩ quân ngũ ra thì thừa sức làm giám thị”

Xuất ngũ khi mới 44 tuổi, trung tá Nguyễn Quang Vinh cầm “sổ hưu” cùng thời điểm với bố và bắt đầu tìm kiếm công việc khác. Những năm tháng ăn cơm nhà lính, sống lênh đênh trên biển, khiến ông có phần xa lạ với cuộc sống mới. Nhưng rồi giữa những ngày chông chênh này, một người bạn gợi ý ông “làm giám thị”.

Thầy Vinh nhớ lại: “Tôi không hiểu giám thị là làm gì. Ông bạn thấy tôi thắc mắc thì bảo đó là công việc giám sát học sinh bằng mắt, đấy là ông ấy chiết tự ra như thế thôi. Chứ sau này khi làm, tôi mới hiểu đâu chỉ cần đến mắt mà cả chân, tay, miệng và nhiều khả năng khác mới có thể làm tốt được công việc này.

Tôi về làm việc cho thầy Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng vào khoảng năm 1996 – 1997, khoảng thời gian trường sóng gió nhất vì đó là ngôi trường duy nhất lúc bấy giờ thu dung những học sinh từng bị đuổi học ở trường khác về để dạy dỗ.

Tôi cứ nghĩ mình từng là bộ đội, biết bao vất vả, hiểm nguy rình rập trong đời quân ngũ còn thấy bình thường, làm việc ở một trường học thì có gì đâu. Thói quen nguyên tắc, nề nếp, làm ra làm, nghỉ ra nghỉ của người lính cũng là thế mạnh của mình. Tôi nghĩ thế và tin mình thừa sức làm được công việc mới. Nhưng sau này mới hiểu mình còn phải học nhiều thứ trong chặng đời làm giám thị học trò”.

Đó là những năm tháng thầy Vinh và giáo viên chủ nhiệm các lớp thường phải trở thành các “cặp đôi hoàn cảnh” để cùng bàn bạc giải quyết những vấn đề phát sinh từ học sinh.

Khi trường học đóng cổng, thầy giám thị và cô chủ nhiệm vẫn chưa được về nhà. Có khi thì lóc cóc tìm địa chỉ nhà học sinh, chờ gặp bằng được bố mẹ học sinh để trao đổi một vấn đề cấp bách hay đơn giản chỉ để xem vì sao học sinh không đi học, hay đến lớp muộn, ngủ trong lớp một cách bất thường hoặc có biểu hiện mâu thuẫn, đánh nhau với học sinh khác và người ngoài trường.

Cũng không ít lần “cặp đôi hoàn cảnh” lại cùng đến đồn công an để bảo lãnh cho học sinh, để trình bày về một nguy cơ nào đó không an toàn với học sinh của mình để nhờ các chú công an hỗ trợ.

Theo thầy Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (là hiệu trưởng thời kỳ thầy Vinh kể), trong các buổi giao ban của giáo viên chủ nhiệm ở ngôi trường đặc biệt này đều có sự tham gia của giám thị.

“Chính công việc đặc thù này khiến tôi hiểu ra nhiều điều hơn. Hiểu những vất vả, cực nhọc của nghề làm thầy và hiểu nhiều vấn đề của học sinh. Dù mỗi một tình huống cần một cách xử trí khác nhau, nhưng con đường giáo dục đều phải bắt đầu từ sự tôn trọng, thương yêu và có trách nhiệm đến cùng”, thầy Vinh chia sẻ.

Khi giám thị trở thành… nhà điều tra

Thầy Vinh nhớ lại có một thời học sinh rất hay mâu thuẫn. Không va chạm trong trường thì gọi người ngoài trường chờ trước cổng trường giờ tan học để kéo nhau đi đâu đó ẩu đả. Mỗi ngày tới trường, thầy giám thị phải giăng “ăng ten” lên để nghe ngóng, phát hiện sớm những dấu hiệu khả nghi để có thể ứng phó kịp thời.

“Trước giờ tan học, ở một góc quan sát, tôi thấy ngoài cổng trường có nhiều thanh niên tập trung, thái độ, cử chỉ bất thường là tôi phải đi kiểm tra. Vì nếu bên ngoài sắp có vụ đánh nhau thì thế nào cũng xôn xao ở trong các lớp học. Lần tìm từ các đầu mối khác nhau, có những khi tôi phải hỏi người dân xung quanh, nhờ họ thông tin để nắm được tình hình.

Rất nhiều vụ chuẩn bị đánh nhau như thế được phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn. Thường thì chúng tôi phải nhờ công an hỗ trợ bên ngoài để dẹp những đối tượng không phải là học sinh. Đồng thời chúng tôi tìm hiểu từ học sinh để biết nguyên nhân, kết hợp với phụ huynh xử lý”, thầy Vinh kể.

Không chỉ đánh nhau, thời kỳ đó có quá nhiều sự vụ liên quan tới học sinh. Trong đó có một số trường hợp sử dụng chất kích thích. Thầy giám thị hằng ngày phải đi “tour” để nhận biết những biểu hiện lạ của học sinh. Mỗi học sinh có biểu hiện mệt mỏi, ngủ nhiều trong lớp hay giấu giếm, sợ hãi… đều được quan tâm, trò chuyện, hỏi han và có biện pháp tiếp theo.

Thầy Nguyễn Quang Vinh đi kiểm tra, nhắc nhở những học sinh ngủ quên, nghịch ngợm - Ảnh: VĨNH HÀ

Thầy Nguyễn Quang Vinh đi kiểm tra, nhắc nhở những học sinh ngủ quên, nghịch ngợm – Ảnh: VĨNH HÀ

Kìm nén cảm xúc tiêu cực

Giai đoạn sóng gió nhất của trường “Đinh” (Đinh Tiên Hoàng) đã qua, giờ học sinh nề nếp hơn, thưa vắng hẳn việc học sinh đánh nhau hay vi phạm các quy định của nhà trường. Nhưng công việc của thầy giám thị bao năm vẫn luôn rất nhiều.

Mỗi ngày thầy Vinh đến trường từ 6h sáng. Ông đi từng phòng học để mở bung các cửa cho không khí mới vào phòng, kiểm tra đường điện, quạt trần để chắc chắn đảm bảo an toàn khi học sinh tới lớp. Rồi thầy có mặt ở cổng trường để nhắc học sinh thiếu đồng phục, có tác phong chưa đúng…

Thầy Vinh có mặt ở các ngõ ngách hành lang, cầu thang, ngoài lớp học, sân chơi. Khi thì đánh thức học sinh ngủ gật, lúc thì chỉnh điều hòa, quạt, bóng điện, xử lý những việc nhỏ nhất cho tới khi học sinh ra về an toàn. Ông thường là người ra khỏi trường rất muộn.

Kể về kỷ niệm ở ngôi trường này, thầy Vinh nói những học sinh từng rất nghịch lại là những em rất tình cảm và hay quay về. Có em về và tìm thầy giám thị để chào một tiếng.

“Tôi hiếm khi gay gắt với học sinh. Nhiều lúc cũng phải cố gắng kìm lại những cảm xúc tiêu cực để chọn một cách đối thoại tích cực nhất. Rồi có nhiều việc, tôi không chỉ nhắc mà tôi làm trước. Ví dụ như nhìn thấy rác học sinh nào đó lỡ vứt ra, tôi nhặt cho vào thùng rác. Hay có khi chỉ nói nhẹ nhàng thôi “con bỏ rác vào thùng nhé”. Nếu hành xử của mình thân thiện, tôn trọng và đúng mực, bọn trẻ sẽ nghe. Khi đã vượt qua được rào cản của sự hoài nghi, đề phòng, thì bọn trẻ rất đáng yêu, tự giác”, thầy Vinh tâm sự.

Bí quyết nói ít, làm nhiều, làm trước để học sinh nhìn vào dần dần làm theo là một trong những cách khiến người thuyền trưởng – giám thị này được yêu mến trong lòng nhiều thế hệ học trò.

Hiếm có học sinh ở trường “Đinh” biết thầy Vinh từng là một thuyền trưởng của hải quân, chỉ quen với hình ảnh lặng lẽ, giản dị và tận tụy của ông. Còn ông thì cho rằng những điều thú vị ông nhận ra trên hành trình giáo dục học sinh ở đây khiến ông thấy công việc có ý nghĩa và muốn gắn bó.

________________________________________________

Một học sinh chữa được bệnh ngủ quên, hay một học sinh khác thay đổi hoàn toàn cách ứng xử bắt đầu bằng việc chủ động chào hỏi là những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng từng khiến các thầy, cô mất nhiều thời gian.

Kỳ tới: Những boong-ke bị phá bởi thầy giám thị


Du học, Xuất khẩu lao động 2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: